Với Galaxy Note 8, Samsung đã giải quyết vấn đề muôn thuở mang tên “hiệu năng thực tế”

"Phải thừa nhận rằng Galaxy Note 8 đã chứng minh rằng Samsung không còn đem đến hiệu năng thực tế đáng thất vọng trên những thiết bị cao cấp của mình nữa".

Samsung vẫn sản xuất ra những chiếc smartphone Android được đánh giá rất cao, nhưng giao diện TouchWiz lại là một điểm trừ lớn. Các chuyên gia công nghệ đánh giá giao diện TouchWiz là: “vô số tính năng thừa, thiết kế cũ, hiệu năng thực tế thất vọng”.

TouchWiz đã được sử dụng trong rất nhiều dòng smartphone Galaxy S và Galaxy Note của Samsung, cũng đã trải qua nhiều cải tiến và thậm chí còn được đổi tên thành “Grace UX”. Tuy nhiên các fan trung thành của Android vẫn chưa thực sự hài lòng. Cho đến khi Galaxy Note 8 được ra mắt, Samsung đã giải quyết được vấn đề muôn thuở mang tên “hiệu năng thực tế”.

 

Galaxy Note 8 đã được Samsung cải thiện đáng kể hiệu năng thực tế.

Cấu hình cao nhưng chưa chắc hiệu năng thực tế ấn tượng

Với những chiếc smartphone Android, có một điều thú vị đó là cấu hình cao chưa chắc đã có hiệu năng thực tế ấn tượng. Có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới hiệu năng thực tế, mà cấu hình phần cứng chỉ là một phần. Nó còn phụ thuộc vào mức độ tối ưu, phần mềm, các giao diện mà nhà sản xuất sử dụng.

Galaxy Note7 của Samsung là một trong những chiếc smartphone như vậy. Ra mắt vào năm ngoái, Note7 được trang bị chip xử lý mạnh nhất là Snapdragon 820, bộ nhớ RAM LPDDR4 4GB và bộ nhớ dữ liệu UFS 2.0. Cấu hình mạnh nhất lúc bấy giờ, thế nhưng hiệu năng thực tế của Note7 lại bị nhiều đối thủ khác bỏ xa.

Các bạn có thể xem lại bài viết này để thấy rõ điểm hiệu năng của Note7 và những chiếc smartphone cao cấp khác. Trong khi đó, Google Pixel vẫn luôn được đánh giá cao về hiệu năng thực tế, do được tối ưu giữa phần cứng, hệ điều hành Android và giao diện người dùng.

 

So với Note7 năm ngoái, Galaxy Note 8 là bước tiến vượt bậc.

Galaxy Note 8 là kẻ kế nhiệm của chiếc Note7 năm ngoái, nhưng đã có rất nhiều thay đổi đáng ghi nhận. TouchWiz đã được cải thiện đáng kể khi kết hợp cùng Android 8.0 Nougat, phần cứng được tối ưu tốt hơn và kết quả là đem lại hiệu năng thực tế rất ấn tượng.

Các chuyên gia công nghệ trên diễn đàn XDA-developers đã so sánh hiệu năng của Galaxy Note 8 với Google Pixel XL và OnePlus 5. Họ tiến hành những bài kiểm tra, đo đạc và lập biểu đồ rất chi tiết để đánh giá, thay vì thực hiện các video thử nghiệm cảm tính.

Hiệu năng thực tế của Galaxy Note 8, Pixel XL và OnePlus 5

Đầu tiên, XDA tiến hành một thử nghiệm rất đơn giản. Đó là thao tác cuộn trong danh sách các ứng dụng hàng đầu của kho ứng dụng Google Play Store. Bằng cách cuộn lên và xuống trong danh sách ứng dụng, để xem chiếc smartphone nào có thao tác cuộn mượt nhất.

 

Biểu đồ cho thấy tần số bộ vi xử lý và thời gian hiển thị các khung hình khi thực hiện thao tác cuộn trên 3 chiếc smartphone.

3 biểu đồ ở dưới cho thấy tần số khung hình xuất hiện khi thực hiện thao tác cuộn trên Galaxy Note8, Pixel XL và OnePlus 5. Còn 3 biểu đồ ở trên là tần số bộ vi xử lý của 3 chiếc smartphone. Các cột đỏ nếu như vượt quá vạch màu xanh (16 ms) biểu hiện cho các khung hình bị biến mất. Có nghĩa là Pixel XL không bị mất bất kỳ khung hình nào, còn OnePlus 5 có nhiều khung hình bị mất nhất.

Đồng nghĩa với Pixel XL có thao tác cuộn mượt nhất và ngược lại, OnePlus 5 có thao tác cuộn kém mượt nhất. Có thể thấy biểu đồ tấn số bộ vi xử lý, Pixel XL luôn giữ ở mức tần số cao, OnePlus 5 dao động lên xuống nhiều. Trong khi đó Galaxy Note 8 luôn giữ ở mức ổn định và chỉ có một ít khung hình bị mất.

 

Biểu đồ tương tự với ứng dụng Gmail.

XDA tiếp tục thử nghiệm với việc cuộn màn hình lên xuống trong một vài ứng dụng khác, như Gmail. Và kết quả không mấy khác biệt, khi Pixel XL tiếp tục giữ được sự ổn định, Galaxy Note 8 cũng khá mượt, trong khi OnePlus 5 kém mượt nhất.

Thử nghiệm với các tác vụ phức tạp hơn

Để thử nghiệm được hết hiệu năng thực tế của Galaxy Note 8, Pixel XL và OnePlus 5, các chuyên gia công nghệ của XDA tiếp tục tiến hành với nhiều thao tác phức tạp hơn. Ví dụ như trong kho ứng dụng Play Store, mở danh sách ứng dụng thuộc top chart, di chuyển, mở và đọc các đánh giá, quay trở lại mở kho nhạc và nhiều thao tác khác nối tiếp nhau.

Chúng ta có thể thấy rõ thay đổi lớn trong biểu đồ của thử nghiệm các tác vụ phức tạp hơn, khi mà số lượng khung hình không hiển thị đã xuất hiện nhiều hơn trên vạch màu xanh. Hầu như chiếc smartphone nào cũng bị mất khung hình khi thực hiện các thao tác mở một cửa sổ mới trong ứng dụng.

 

Thực hiện nhiều thao tác phức tạp hơn, khiến cho số lượng khung hình bị mất cũng nhiều hơn trên cả 3 smartphone.

Galaxy Note 8 cho kết quả khá ấn tượng so với những gì mà các chuyên gia của XDA dự đoán, khi mà số lượng khung hình bị mất chỉ là 12%. Pixel XL vẫn thể hiện được phong độ tốt hơn với ít hơn một nửa so với Note 8, trong khi OnePlus 5 nhiều hơn 33%.

Kết quả tương tự khi thử nghiệm với ứng dụng YouTube, và một loạt các thao tác phức tạp như mở video, tìm kiếm, di chuyển đến các danh sách video, lặp lại các thao tác này nhiều lần. Galaxy Note 8 vẫn có số khung hình bị mất nhiều hơn Pixel XL và ít hơn OnePlus 5.

 

Biểu đô tương tự với ứng dụng YouTube.

Một chuyên gia của XDA đánh giá: “Tôi rất hài lòng với hiệu năng thực tế của Galaxy Note 8 trong tất cả các bài kiểm tra. Mặc dù nó không bằng với Pixel XL, nhưng kết quả là tốt hơn những gì tôi mong đợi. Kết quả cho thấy bạn sẽ có thể trải nghiệm chiếc Note 8 một cách mượt mà và khó có thể nhận thấy các khung hình bị mất”.

Thời gian khởi chạy ứng dụng và đa tác vụ

XDA tiếp tục với thử nghiệm đánh giá thời gian khởi chạy ứng dụng và đa tác vụ trên Galaxy Note 8, Pixel XL và OnePlus 5. Các ứng dụng được thử nghiệm tiếp tục là Play Store, YouTube và Gmail.

Kết quả cho thấy OnePlus 5 có tốc độ mở ứng dụng nhanh nhất và ổn định nhất. Galaxy Note 8 có thời gian nhỉnh hơn một chút, nhưng không đáng kể so với OnePlus 5. Trong khi Pixel XL tỏ ra hụt hơi trong thử nghiệm này, có lẽ do bộ nhớ dữ liệu thế hệ cũ và chip xử lý Snapdragon 821 lỗi thời.

 

Biểu đồ tốc độ khởi chạy các ứng dụng.

XDA cũng đánh giá khả năng quản lý đa tác vụ của Galaxy Note 8 là ấn tượng, nhờ có bộ nhớ RAM 6GB. Các thao tác chuyển đổi giữa những ứng dụng đang chạy và ứng dụng chạy nền khá mượt mà. Với bộ nhớ RAM 6GB, Galaxy Note 8 cũng giữ được số lượng các ứng dụng chạy nền nhiều gấp hai lần so với Note7, điều này không làm ảnh hưởng nhiều đến pin và có thể giúp bạn khởi chạy các ứng dụng khác nhanh hơn so với việc mở lại ứng dụng từ đầu.

Đánh giá cuối cùng của XDA với hiệu năng thực tế của Galaxy Note 8

Sau những bài thử nghiệm của mình, chuyên gia Mario Tomás Serrafero của XDA đã đưa ra những đánh giá cuối cùng của mình:

“Khi đánh giá về hiệu năng thực tế của Note7, chúng tôi đã nhận được khá nhiều lời chỉ trích (hầu hết là từ các fan trung thành). Tuy nhiên đừng hiểu lầm, bởi tôi cũng là một fan của dòng Galaxy Note (kể từ thời Note 3). Nhưng tôi cũng phải làm quen với việc tùy biến, cài các ROM và giao diện mới để chiếc Galaxy Note của mình có thể cải thiện hiệu năng tốt hơn.

Thế nhưng khi Samsung ra mắt Galaxy Note 8, tôi phải nói rằng vấn đề lớn nhất của dòng máy này đã được khắc phục (trên cả Note và S). Ít nhất cho tới lúc này, khi tôi sử dụng Note 8 đã không còn gặp các hiện tượng treo, giật, lag hay mất khung hình đã từng gặp phải trước đây. Tất cả đều mượt mà hơn một cách đáng kể.

Tôi cũng phải lưu ý rằng Galaxy Note 8 vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Độ mượt khi chạy ứng dụng chưa bằng được Pixel XL, hay tốc độ khởi chạy ứng dụng chưa bằng với OnePlus 5 (mặc dù chỉ kém một chút).

Tuy nhiên tôi vẫn rất hài lòng với chiếc Note 8 này. Phải thừa nhận rằng Galaxy Note 8 đã chứng minh rằng Samsung không còn đem đến hiệu năng thực tế đáng thất vọng trên những thiết bị cao cấp của mình nữa. Galaxy Note 8 đã không làm chúng tôi thất vọng”.

Tham khảo: xda-developers

#Nguồn: Genk

Viết bình luận