Tôi đã quyết định hạ cấp về iOS 10 sau một thời gian "ham hố" lên iOS 11
iOS 11 là một bản cập nhật với nhiều tính năng hấp dẫn, tuy nhiên một số vấn đề về hiệu năng, pin và giao diện đã khiến tôi tạm thời quay trở về iOS 10.
Với việc là một người đam mê công nghệ và luôn muốn trải nghiệm những cái mới, không ngạc nhiên khi chiếc iPhone của tôi luôn chạy phiên bản phần mềm mới nhất. Vào hồi tháng 6 vừa qua khi Apple lần đầu trình làng iOS 11 tại sự kiện WWDC 2017, tôi cũng đã ngay lập tức cài đặt phiên bản beta đầu tiên. Trong suốt những tháng sau đó, khi Apple tung ra các bản beta tiếp theo, tôi cũng đã liên tục nâng cấp lên phiên bản mới nhất và gửi đến các bạn khá nhiều bài viết về những thay đổi của từng bản beta.
Tôi đã nâng cấp lên iOS 11 ngay từ những ngày đầu tiên
Đương nhiên do là phiên bản phần mềm thử nghiệm, việc máy gặp tình trạng crash (văng ứng dụng), hiệu năng không tốt, pin tụt nhanh, nóng máy... cũng là điều dễ hiểu. Trong quá trình sử dụng beta, tôi luôn giữ niềm tin rằng Apple sẽ khắc phục được các vấn đề này trên phiên bản chính thức, vì dẫu sao Apple vẫn luôn là công ty nổi tiếng với khả năng tối ưu hóa phần mềm của mình.
Mới đây vào ngày 19/9, Apple đã chính thức tung ra phiên bản hoàn thiện của hệ điều hành iOS 11 cho người dùng, và tôi đã đinh ninh rằng phiên bản này sẽ cho độ ổn định cao hơn. Tuy nhiên, tôi đã nhầm. Sau hơn hai tuần trải nghiệm, trải qua hai bản cập nhật là iOS 11.0.1 và 11.1 Beta, tôi đã đi đến quyết định là hạ cấp về iOS 10.3.3.
Sau đây là những vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải với iOS 11:
Chậm hơn
Chiếc iPhone 6s mà tôi sử dụng phần lớn thời gian vẫn cho hiệu năng rất tốt, tuy nhiên so với iOS 10 thì tốc độ đã giảm đi phần nào. Tốc độ mở ứng dụng chậm hơn, khả năng đa nhiệm của máy cũng trở nên kém đi, khi tình trạng máy phải load lại ứng dụng xảy ra nhiều hơn. Thực tế, qua thử nghiệm trên chiếc iPhone 8 Plus mới nhất với chip A11 Bionic và RAM 3GB, lượng ứng dụng mà chiếc máy này có thể lưu trữ trong bộ nhớ cũng kém xa so với mức mà iPhone 7 Plus từng đạt được trên iOS 10.
Một vấn đề khác của iOS 11 đã tồn tại từ các bản beta trước mà Apple vẫn chưa thể khắc phục, mặc cho hàng loạt lời phàn nàn của người dùng, đó là hiệu ứng menu 3D Touch xuất hiện khi người dùng ấn mạnh vào các biểu tượng trên màn hình hơi giật, ngay cả trên các thiết bị đời mới.
Menu 3D Touch xổ ra hơi giật
Còn với các thiết bị cũ hơn (iPhone 6/6 Plus trở về trước, iPad Air trở về trước và iPad mini 3 trở về trước), tốt hơn hết là người dùng chưa nên nâng cấp ở thời điểm hiện tại do hiệu năng là khá tệ.
Giao diện
Giao diện iOS 11 về cơ bản không khác nhiều so với iOS 10, tuy nhiên vẫn có những thay đổi mà người dùng có thể nhận ra. Trong đó, các ứng dụng cơ bản như Tin nhắn, Danh bạ, Điện thoại... đều có một thanh tiêu đề rất lớn với font chữ lớn, được in đậm.
Ngôn ngữ thiết kế mới của iOS 11, đặc biệt là kích thước thanh tiêu đề gây tiêu tốn nhiều diện tích màn hình
Thiết kế này có thể sẽ giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc sử dụng, đặc biệt là với đối tượng người dùng lớn tuổi và không am hiểu công nghệ, tuy nhiên xét về tính thẩm mỹ thì có thể nói là một sự thụt lùi. Thanh tiêu đề quá lớn không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho người dùng, nhưng lại khiến lãng phí không gian màn hình, đặc biệt nghiêm trọng với các thiết bị màn hình nhỏ như iPhone 5s hay iPhone SE.
Việc Apple tích hợp màn hình khóa và thanh thông báo (Notification Center) cũng là một thay đổi mà tôi không thích, khi nó tạo ra sự rắc rối không đáng có. Đôi khi tôi nhìn vào điện thoại của mình và cảm thấy ngẩn ngơ khi không thể định hình được mình đang ở đâu và muốn làm gì (hất lên để đóng Notification Center hay chạm vào nút Home để mở khóa bằng Touch ID?)
Thật khó để có thể phân biệt đây là thanh thông báo hay màn hình khóa
Thanh trung tâm điều khiển (Control Center) trên iOS 11 đã được nâng cấp mạnh mẽ về mặt tính năng, tuy nhiên cũng kéo theo hệ lụy là nó trở nên hỗn độn và khó sử dụng hơn. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người dùng tỏ ra lúng túng khi không biết bật/tắt tính năng AirDrop trên iOS 11, do nó bị giấu vào bên trong menu 3D Touch.
Control Center của iOS 11 tuy tiện dụng, nhưng có phần hơi rối rắm
Thời lượng pin giảm sút
Thời lượng pin là một yếu tố khá khó để đánh giá do mỗi người lại có một cách sử dụng khác nhau, kéo theo thời lượng pin cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người dùng, iOS 11 cho thời lượng pin kém hơn so với iOS 10 từ 2-3 tiếng.
Đặc biệt, tốc độ sụt pin chờ của iOS 11 cũng nhanh hơn. Trung bình qua một đêm (8 tiếng), chiếc iPhone 6s của tôi thường sụt khoảng 3-4% pin, trong khi với iOS 10 chỉ là 1-2%. Chiếc iPhone 8 Plus khi nâng lên iOS 11.1 Beta còn gặp tình trạng sụt 30% chỉ trong 2 tiếng, mặc dù đây là điều khó chê trách do iOS 11.1 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy vậy, nó cũng cho thấy iOS 11 đang thật sự gặp vấn đề về thời lượng pin.
Ngừng hỗ trợ ứng dụng 32-bit
Trên iOS 11, Apple chỉ cho phép chạy ứng dụng 64-bit. Người dùng sẽ không thể tải về ứng dụng 32-bit từ App Store và tất cả các ứng dụng 32-bit cũ khi người dùng nâng cấp từ iOS 10 cũng sẽ không thể chạy được. Cá nhân tôi cũng phải "hy sinh" một ứng dụng khi nâng cấp lên iOS 11. Tuy đây không phải là một ứng dụng quá quan trọng, nhưng tôi cũng cảm thấy thuận tiện và thoải mái hơn khi những lúc cần thì vẫn có thể sử dụng nó.
Ứng dụng 32-bit không được hỗ trợ trên iOS 11
Nhưng... Rồi một ngày tôi sẽ lại lên iOS 11
Việc iOS 11 không đạt được kỳ vọng của tôi và nhiều người dùng khác, thực chất, cũng không phải điều quá bất ngờ do nó đã từng xảy ra trong quá khứ. Những phiên bản đầu tiên của mỗi bản cập nhật iOS mới thường gặp phải một số vấn đề khá nghiêm trọng, ví dụ như iOS 8.0.1 gây lỗi mất sóng, hay iOS 9.0-9.1 có hiệu năng cực tệ. Nhưng rồi, những vấn đề này cũng được Apple khắc phục trong các bản cập nhật sau này.
Tương tự như vậy với iOS 11, tôi tin rằng một số vấn đề trên, đặc biệt là về hiệu năng và pin, sẽ được Apple khắc phục. Một ngày nào đó, không sớm thì muộn, tôi sẽ lại quay lại với iOS 11. Điều quan trọng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
#Nguồn: Genk
Viết bình luận