Dù đã có iPhone 7 nhưng tôi vẫn quyết định tiếp tục dùng Galaxy Y vì...
Có một người bạn cũ bảo với tôi rằng: "Sao mày chưa thay điện thoại đi, dùng gì mãi một con cùi bắp đến vậy?". Tôi chỉ mỉm cười lại rồi nói: "Khổ quen rồi, sướng không chịu được!". Và chiếc điện thoại cùi bắp mà bạn tôi vừa nhắc tới ấy chính là chiếc Samsung Galaxy Y đình đám một thời.
Năm ấy tôi đang học lớp 11, sau những lần đoạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh với bộ môn tin học, bố đã quyết định mua cho tôi một chiếc điện thoại làm quà thưởng.
Với một đứa như tôi, thời điểm đó, smartphone là một cái gì đó khá là mới mẻ. Thậm chí tôi còn không biết iOS hay Android nó là cái gì, chỉ nghe loáng thoáng người ta nói đó là hệ điều hành điện thoại mà thôi. Sau đó, tôi quyết định tìm hiểu xem liệu chiếc điện thoại nào sẽ phù hợp với mình.
Lúc ấy, đỉnh nhất có lẽ là iPhone 4S nhưng tôi nào dám mơ tới vì tôi biết khi đó nhà mình còn nghèo khó lắm. Làm sao mà đủ tiền mua được, tính hạo hạo thì cũng tới 3 - 4 tháng lương gì đó của mẹ.
Ngoài iPhone ra, những cái tên đình đám khác như HTC Sensation, Sony Ericsson Arc S, Nokia N9 hay Galaxy S2,... tất thảy chúng đều được xếp vào danh sách loại trừ của phần quà vì tôi biết bố không thể nào mua nổi.
Và trong muôn vàn những thứ ấy, tôi lại nghĩ đến Google và bắt đầu tìm hiểu những tiêu chuẩn tối thiểu đặt ra cho smartphone thời bấy giờ. Chẳng hạn như màn hình phải trên 3 inch, chạy hệ điều hành Android 2.3 và còn nhiều thứ linh tinh khác,...
Rồi bỗng, một ứng cử viên sáng giá đã xuất hiện, không ai khác ngoài Galaxy Y cùng một mức giá cũng chẳng hề dễ chịu (với gia đình tôi) chút nào, 3.390.000 đồng. Nhưng ít ra thì tôi đã thuyết phục được bố và thành công với kế hoạch của mình.
Khi cầm chiếc điện thoại về nhà, tôi cưng nó như cưng trứng vậy. Tôi bắt đầu thử nghịch qua những ứng dụng trong máy. Dần dần, một khoảng thời gian sau, tôi đã biết cài ứng dụng, biết tới Android Market (nay là CH Play), chơi các game phổ biến mà ai cũng thích như chém hoa quả hay Angry Birds.
Chiếc điện thoại nhỏ bé ấy đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống vì những tiện ích, ứng dụng mà nó mang đến. Cũng chỉ là đọc báo, tìm kiếm thông tin hay lướt Facebook qua chiếc màn hình nhỏ bé ấy thôi mà thấy sao thích đến vậy.
Ngoài ra, điều mà tôi thấy rất thích trên Galaxy Y đó là khả năng kết nối 3G, tại vì trước đó toàn dùng GPRS mà, chậm ơi là chậm! Rồi thì còn mấy trò chơi lặt vặt thỉnh thoảng để giết thời gian nữa.
Nói đùa cho vui vậy thôi chứ tôi cũng ham chơi game lắm, nhìn thấy máy người ta chơi được Modern Combat 3, Nova 2, Temple Run,... mà máy mình thì "cùi" quá không chơi được cũng ức lắm chớ. Biết thế ngày ấy chọn máy xịn hơn!
Nhưng suy đi nghĩ lại thì nhà mình khó khăn, học không giỏi mà lại cứ ham chơi, cứ đua đòi mãi thì hỏng. Nhìn lại trong lớp được vài đứa dùng smartphone, trong đó có mình, còn lại toàn xài "cục gạch" nên cũng tự cảm thấy mình là người may mắn, thôi thì có sao dùng như thế vậy!
Và có lẽ với tôi, niềm vui lớn nhất với Galaxy Y chính là khoảnh khắc "root" và cài được rom cook (phiên bản Android đã được tùy chỉnh) cho em ấy lần đầu.
Đến bây giờ tôi vẫn thích làm tester (tải về dùng rom cook và báo lỗi cho nhà phát triển nếu có) vì tôi vẫn khá lười và thích "ăn sẵn" hơn là "tự nấu". Mấy bản rom ấy cũng là một trong những cú lừa đau đớn nhất mà tôi gặp phải.
Tôi tin rằng đó sẽ là rom Android 4.0 Ice Cream Sandwich, nhưng thực sự chẳng bao giờ có một bản cập nhật hệ điều hành nào nữa cho Galaxy Y. Có chăng chỉ là Android 2.3.6 được chỉnh sửa lại buildprop (file nằm trong hệ thống, có thể chỉnh sửa để thay đổi thông tin hiển thị của máy). Nếu thích thì mình cho lên 11.0.2 cũng được nữa ấy!
Hai năm rồi ba năm, thời gian cứ lặng lẽ trôi và tôi thì cũng đã là sinh viên năm hai đại học. Nhìn chúng bạn trong giảng đường đại học trên tay những chiếc smartphone thời thượng, tôi thấy mình đang lạc lõng ở đâu đó với một chiếc máy "cổ lỗ sĩ" như thế này.
Song cũng chẳng sao cả, "máy vẫn xài được mà" - tôi hay tự động viên mình vậy chứ trong lòng lúc đó vẫn có một sự tự ti khá lớn.
Đã có lúc tại các buổi họp mặt, hay liên hoan với lớp, tôi thường tránh lôi điện thoại ra dùng. Hoặc không sẽ cố gắng nói chuyện phiếm để cho chúng nó phân tâm, thậm chí là đi vào nhà vệ sinh mỗi khi nghe điện thoại.
Kỳ thực, tôi không muốn họ biết là mình đang dùng một con smartphone "cùi bắp". Tôi rất muốn xin tiền bố mẹ để sắm điện thoại mới nhưng rồi suy nghĩ đó lại bị dập tắt bởi chính bản thân tôi, bởi vì tôi biết rằng tôi đã lớn, tôi không thể cứ đòi hỏi họ mãi được.
Tôi tự hứa rằng sau này ra trường, kiếm được tiền rồi sẽ tậu thêm một chiếc điện thoại mới. Và rồi cái ngày ấy đã đến, khi tôi tốt nghiệp và xin vào làm việc ở một công ty lớn tôi đã mong chờ được nhận tháng lương đầu tiên để mua một chiếc smartphone khác, đó chính là iPhone 7.
Cảm giác đầu tiên của tôi là mãn nguyện và sung sướng với thành quả sau bao năm chờ đợi của mình. Nhưng dần dần, tôi lại cảm thấy xa lạ với chiếc điện thoại này, thấy nhớ nhớ chiếc Galaxy Y cũ mèm kia đã theo mình suốt bao ngày tháng gian nan của cuộc đời.
Lẽ nào mình lại là thằng "có mới nới cũ" như thế? Hay tại mới "nhảy tàu" hệ điều hành nên chưa kịp thích nghi?
Rồi đâu đó tôi cũng nhận ra, hai chiếc máy đó cũng chỉ là hai chiếc điện thoại và khi chúng đã hết pin thì công dụng cũng chẳng khác gì một cục chặn giấy. Trong khi tôi cũng như các bạn, chỉ cần một chiếc điện thoại để nghe gọi, nhắn tin.
Những ứng dụng, tiện ích khác có hay không, không quan trọng nhưng nếu điện thoại mà thiếu đi tính năng nghe gọi thì nó không còn là điện thoại nữa.
Dưới góc nhìn của tôi, của cả một thế hệ như tôi và các bạn, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số hóa, thời đại của công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng mặt.
Đã lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy những cuộc trò chuyện vui vẻ của một nhóm bạn mà thay dần vào đó là những chiếc smartphone long lanh tay trong tay, giơ lên, hạ xuống, xoay xoay các kiểu để bấm bấm chụp ảnh tự sướng "nuôi" Facebook.
Tôi đồng ý rằng đó là sự thay đổi tất yếu của xã hội nhưng suy cho cùng, thì chiếc smartphone dù có hiện đại tới mấy, xịn tới mấy cũng chỉ là một chiếc điện thoại và giá trị thực của nó chính là khả năng liên lạc, giúp ta kết nối với mọi người.
Có vẻ như tôi đã không vâng lời mẹ và lãng phí tiền cho một ham muốn nhỏ mọn của bản thân. Thật sự thì chiếc Galaxy Y của tôi vẫn dùng tốt, vẫn nghe gọi, nhắn tin, lướt web như bình thường.
Và sau khi mua iPhone 7 về, tôi vẫn chỉ sử dụng ngần đó tính năng thì chẳng phải đó là một sự lãng phí lớn hay sao?
Tưởng dở mà hóa ra lại hay, xài smartphone cũ cũng có cái tiện của nó: Chẳng sợ rơi rớt, sứt mẻ hay trầy trụa. Nó cứ rời ra ba mảnh thì mình ghép lại rồi xài tiếp thôi. Cũng chẵng sợ đứa nào lấy trộm vì "cái thứ như vậy" thời buổi này ai mà thèm.
Tóm lại thì mình vẫn chỉ dùng chiếc Galaxy Y cũ mèm đó và mình cảm thấy hạnh phúc khi được thấy nó mỗi ngày. Còn chiếc iPhone 7 thì mình chuyển lại cho bố xài để bố được hưởng cái tiện ích của thời đại công nghệ thông tin.
Suy cho cùng thì điện thoại cũng chỉ là điện thoại mà thôi. Dù bạn có dùng iPhone X đi chăng nữa thì...
Con người ta hơn nhau ở cách sống, cách đối nhân xử thế chứ không phải là những thứ vật chất mang trên người họ. Bạn thấy có đúng không?
Còn bạn, câu chuyện của bạn là gì? Hãy chia sẻ cùng mọi người qua nút dưới đây nhé!
#Nguồn: thegioididong
Viết bình luận